Trà Cuôn là một địa danh thuộc xã Kim Hòa, H.Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh). Ấp Trà Cuôn nằm dọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm TP.Trà Vinh hơn 10km, nơi đây tập trung khá đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ hàng chục năm nay, Trà Cuôn nổi danh với món bánh tét và trở thành một trong những món đặc sản của miền Tây Nam bộ.

Bà Hai Lý giới thiệu và mời khách tham quan dùng thử bánh tét. Ảnh: T.Mộc
Bà Hai Lý giới thiệu và mời khách tham quan dùng thử bánh tét. Ảnh: T.Mộc

Với những hương vị đặc trưng, bánh tét Trà Cuôn đã đi vào lòng người từ sắc đến hương vị của lá, của gạo nếp thượng hạng cùng vị béo ngậy của thịt heo, đậu xanh, trứng muối, lạp xưởng… Bánh tét Trà Cuôn không chỉ phục vụ cho người dân trong tỉnh mà còn được đưa tới thị trường tiêu thụ lớn ở khu vực miền Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

* Đậm đà vị quê

Chuyến xe đưa đoàn khảo sát du lịch Trà Vinh do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch
(TP.HCM) tổ chức đến Trà Cuôn vào một ngày cuối năm trong tiết trời nắng nhẹ. Cơ sở Sản xuất và kinh doanh bánh tét Hai Lý là điểm dừng chân đầu tiên để tìm hiểu về mô hình làm bánh tét truyền thống của đoàn trong chuỗi chương trình khám phá Trà Vinh. Cô Hai Lý – chủ nhân của cơ sở làm bánh tét cũng là thương hiệu Bánh tét Hai Lý nổi tiếng nhất Trà Vinh và miền Nam đón tiếp đoàn khách với bàn tiệc bánh tét đủ sắc màu và các loại bánh mà cơ sở sản xuất. Vốn đã biết đến món bánh trứ danh của cô Hai Lý qua các kênh thông tin nhưng lần đầu tiên được mục sở thị cơ sở làm bánh và thưởng thức tại chỗ khiến ai nấy đều thích thú khi được cảm nhận đủ hương – vị – sắc của món bánh trứ danh miền Trà Cuôn.

Vào dịp Tết Nguyên đán, đối với người dân miền Tây Nam bộ nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng đầu năm. Bánh tét có thể ăn cùng với củ kiệu, tôm khô. Với người Trà Vinh, bánh tét Trà Cuôn có nhiều màu sắc khác nhau, nhiều hương vị khác nhau sẽ góp phần tạo không khí vui vẻ, ấm cúng cho gia đình trong dịp Tết. Bánh tét Trà Cuôn khá phong phú về tên gọi và thành phần trong bánh như: bánh tét tứ quý, bánh tét bát bửu, bánh ngũ sắc, bánh 3 màu…

Đã từng được ghé thăm và thưởng thức món bánh tét Trà Cuôn, ThS Dương Đức Minh, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho biết, bánh tét Trà Cuôn có vị rất đặc biệt mà không một loại bánh tét nơi nào có được. Theo năm tháng, món bánh nổi tiếng vùng quê Nam bộ này không chỉ giữ nguyên được những hương vị ngon đặc biệt mà những người thợ gói bánh còn sáng tạo ghép chữ, ghép màu trên bánh. Điều ấn tượng nhất đối với ThS Dương Đức Minh là sự chịu thương, chịu khó và sáng tạo của người nông dân Trà Cuôn trong việc giữ gìn và phát huy thương hiệu Bánh tét Trà Cuôn. Chẳng hạn như, để bánh có hương vị riêng, bà con nơi đây đã sử dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương như: gạo nếp, đậu xanh, thịt… hay như những màu sắc trong chiếc bánh cũng được tạo bởi những loại rau quả thiên nhiên (màu xanh từ lá rau ngót, màu tím lá cẩm, hoa đậu biếc, màu đỏ từ gấc)… để làm nên chiếc bánh truyền thống mang đậm hương vị quê hương.

* Gìn giữ hương vị riêng

Bánh tét vốn là món bánh truyền thống trong dịp Tết cổ truyền. Đặc biệt, tại những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngày lễ, Tết cổ truyền trong năm nhiều hơn do đặc thù văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer. Vào những dịp trọng đại này, người người, nhà nhà đều làm bánh tét. Ngày thường, món bánh tét cũng là món ăn được người dân ưa thích. Ngày nay, tại chợ Trà Cuôn cũng như các ngôi chợ khác tại Trà Vinh, bánh tét là sản phẩm được bày bán khá nhiều. Đây cũng là điểm để người phương xa khi đi ngang Trà Vinh có thể dừng chân mua bánh, là nơi để khách du lịch có thể thưởng thức hương vị bánh tét Trà Vinh còn nóng hổi, thơm mùi lúa mới, nhân thịt tươi ngon.

Mâm bánh tét nhiều màu sắc được chế biến từ các loại rau củ
Mâm bánh tét nhiều màu sắc được chế biến từ các loại rau củ

Do sử dụng các nguyên liệu tự nhiên trên chính mảnh đất người dân đang sinh sống nên nhiều người ví von bánh tét Trà Cuôn chính là bức tranh chứa đựng đầy đủ nhất những sắc màu của một vùng quê thuần nông, mà người nông dân là những họa sĩ đã vẽ lại một cách hoàn hảo nhất.

Với kinh nghiệm làm bánh hơn 40 năm, bà Tiêu Thị Kiếm (mẹ bà Hai Lý), người khai sinh ra thương hiệu bánh tét Hai Lý cho biết, nghề làm bánh tét đã theo chân bà suốt hơn 40 năm qua. Đối với bánh tét Hai Lý, để tạo dựng và gìn giữ thương hiệu, bà Kiếm đã truyền lại nghề cho 2 người con gái, trong đó có bà Hai Lý với nhiều chủng loại bánh đa dạng, phong phú.

Bà Kiếm chia sẻ, để có được đòn bánh tét chắc nịch nhưng hạt gạo nếp khi ăn vẫn dẻo ngọt và có thể bảo quản được lâu ngày, người thợ làm bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn lá chuối để gói cho đến việc chiết màu tự nhiên từ các loại rau quả. Đặc biệt, chiếc bánh ngon hay không chính là khâu làm nhân cho bánh, bà Kiếm tự hào, nhân bánh chính là bí kíp gia truyền từ nhiều năm nay. Bên cạnh gìn giữ công thức làm bánh theo đúng tiêu chuẩn, người thợ còn phải khéo léo sắp xếp những mảng màu, chữ cái sao cho phù hợp nhất.

Bánh tét được hấp nhiều giờ trên bếp củi
Bánh tét được hấp nhiều giờ trên bếp củi

Là người nối nghiệp làm bánh tét của mẹ, bà Hai Lý, chủ nhân của thương hiệu bánh tét Trà Cuôn Hai Lý cho biết, bà luôn yêu cầu thợ cũng như đầu bếp phải tuân thủ đúng công thức làm bánh, chọn mua nguyên liệu uy tín, có nguồn gốc và chứng nhận thực phẩm sạch. Để giữ thương hiệu cho quê hương, bà Hai Lý đã từng từ chối những doanh nghiệp, cá nhân tìm đến lò bánh để đưa ra mức giá cao và đề xuất bà giảm chất lượng bánh. “Thương hiệu của gia đình gầy dựng bao nhiêu năm, tôi không thể bán đi uy tín và lương tâm của mình để thu lợi bất chính. Tôi vẫn sẽ kiểm soát kỹ nguồn hàng đầu vào đầu ra để cho ra những sản phẩm bánh ngon nhất” – bà Hai Lý chia sẻ thêm.

Hiện nay, bánh tét Trà Cuôn đã đạt danh hiệu sản phẩm Ocop 4 sao, đây không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình bà Hai Lý mà còn là niềm vui chung của người dân Trà Cuôn, Trà Vinh…

Thủy Mộc